Đẩy rác ra đường, thực trạng ngày Tết

Mọi người đang dọn dẹp nhà cửa đón mừng năm mới nhưng nhiều nơi tại TPHCM lại có cảnh “sạch nhà, phố phường đầy rác” bởi không ít người đã đẩy rác ra đường, gốc cây, vỉa hè...


Do hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán, công nhân vệ sinh nghỉ tết nên Sở Tài nguyên - môi trường TPHCM kêu gọi người dân giữ rác trong nhà.

Những ngày trước và sau tết, người dân cũng cần hạn chế tập kết rác thải ra đường ngoài giờ thu gom rác để giữ mỹ quan đô thị.

Lề đường thành nơi chứa rác

Tình trạng vứt rác bừa bãi diễn ra khắp nơi vào những ngày cuối năm. Nhiều gia đình dọn dẹp xong vô tư ném rác ra vỉa hè mà không bỏ vào những địa điểm tập kết rác hay các thùng rác công cộng.

Tại nhiều tuyến đường như Quang Trung (Q.12), Thống Nhất (Q.Gò Vấp), Hồng Bàng (Q.6)... rác nằm giữa vỉa hè. Rác chất đống, đủ các loại rác - từ bàn ghế hư, salon cũ, nệm cũ, thú nhồi bông cũ... cho đến thức ăn ôi thiu.

Theo nhiều người sống ở đây, một số gia đình sau khi dọn dẹp nhà tiện tay đẩy rác ra đường.

Ông Huỳnh Văn Bảy, một người thu gom rác tư nhân ở Q.Gò Vấp, cho biết càng sát tết, nhiều nhà dọn dẹp nên rác ở ngoài vỉa hè càng nhiều. Ngày thường ông Bảy chỉ cần gom chở bốn chuyến xe, nhưng gần tết phải gom 8-10 chuyến mới hết rác.

“Có gia đình bỏ đồ ăn lẫn với rác, ruồi bu kiến đậu, bọn tui phải vừa hốt vừa làm vệ sinh sạch lại vỉa hè, mất thời gian lắm” - ông Bảy chia sẻ.

Ở khu vực các quận 3, Tân Bình, Tân Phú..., tình trạng người dân đẩy rác ra đường cũng khá phổ biến. Dọc đường Trường Sa, Hoàng Sa (hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), nhiều nơi đã trở thành điểm tập kết rác của người dân.

Vỉa hè, bồn hoa, thậm chí là lối đi bộ trên cầu bắc qua kênh cũng đầy rác. Mới đây, ngay trên vỉa hè giao lộ Kỳ Đồng - Trần Quốc Thảo (Q.3), nơi xe cộ qua lại tấp nập vẫn xuất hiện một đống rác lớn, trong đó có hàng chục bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng...

Lén đi vứt rác lúc 2-3 giờ sáng!

Trong khi đó, các khu đất trống ở hẻm 97 Tân Quý (P.Tân Quý) và đường Bờ Bao Tân Thắng (P.Sơn Kỳ) của Q.Tân Phú cũng trở thành các bãi rác lộ thiên, với đủ loại vật dụng hư cũ. Điều đáng nói là những nơi này đều treo biển “cấm đổ rác” của UBND phường, có ghi mức phạt hẳn hoi!

Ông Trương Văn Quang - chủ tịch UBND P.Tân Quý cho hay chính quyền địa phương thường xuyên vận động người dân giữ vệ sinh đô thị, không vứt rác ra đường, nhưng có nơi người dân vẫn vứt rác theo thói quen.

Về bãi rác ở hẻm 97 Tân Quý, ông Quang thừa nhận do lực lượng chức năng của phường mỏng nên không thể cắt cử người túc trực để xử lý những trường hợp vi phạm.

Tương tự, khi được hỏi về bãi rác phát sinh hơn tuần nay trước nhà số 476 Hồng Bàng, giáp ranh với P.6, Q.6, đại diện UBND P.16, Q.11 cho biết chưa biết thuộc trách nhiệm phường nào xử lý.

Vị này cho hay sẽ cử người thu gom đống rác, nếu còn tiếp diễn tình trạng vứt rác bừa bãi, UBND P.16 sẽ làm việc với P.6, Q.6 để chia nhau tuần tra, phát hiện xử lý.

Cũng theo vị này, việc xử lý người dân vứt rác bừa bãi khá khó khăn. Phường có cử lực lượng tuần tra, tuy nhiên những người dân này toàn canh lúc 2h-3h sáng đem rác đi đổ nên rất khó phát hiện.

“Trước giờ phường chỉ mới xử phạt các quán ăn bỏ rác ngoài đường, chứ xử các hộ dân rất khó, hầu như chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở” - vị này cho biết.

Vứt rác không đúng nơi quy định bị phạt nặng

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, dịp giáp tết gia đình nào cũng tập trung dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón tết theo thông lệ truyền thống.

“Bà con nào cũng có tâm lý muốn nhà cửa gọn sạch càng sớm càng tốt, nên dọn lúc nào thì đem rác ra khỏi nhà lúc đó, bất kể là chưa tới giờ xe lấy rác hay xe mới vừa lấy rác xong. Vì vậy, chuyện rác thải bị đẩy ra vỉa hè, lề đường trong mấy ngày này là khó tránh khỏi” - bà Mỹ nói.

Tuy nhiên, theo nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm có thể bị buộc khôi phục tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; hoặc buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường...

0 nhận xét: